Thị trường PC toàn cầu bước vào ‘mùa đông’

Thị trường PC bắt đầu vào giai đoạn tăng trưởng âm, chấm dứt 8 quý tăng liên tiếp khi các công ty lớn lần lượt báo lỗ.

Thống kê trong quý II/2022 của hãng nghiên cứu Canalys cho thấy sau hai năm tăng trưởng tích cực, thị trường PC toàn cầu đã đột ngột lao dốc. Tổng lô hàng máy tính để bàn và máy tính xách tay xuất xưởng giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 70,2 triệu chiếc, mức thấp nhất kể từ vụ gián đoạn tương tự xảy ra vào quý I/2020. Riêng các lô hàng laptop đã giảm ba quý liên tiếp. So với cùng kỳ năm ngoái, quý vừa qua ghi nhận mức tăng trưởng âm 18,6% với 54,5 triệu thiết bị được xuất xưởng.

Số lô hàng PC toàn cầu được xuất xưởng từ quý 2/2018 đến quý 2/2020: Nguồn: Canalys

Số lô hàng PC toàn cầu được xuất xưởng từ quý II/2018 đến quý II/2022: Nguồn: Canalys

Theo các nhà phân tích của Canalys, hai nguyên nhân dẫn đến đà sụt giảm của thị trường PC là chính sách “zero Covid” của Trung Quốc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và nhu cầu mua sắm của người dùng đã được “lấp đầy” trong suốt hai năm đại dịch.

“Đúng như dự đoán, việc phong tỏa ở thành phố quan trọng tại Trung Quốc trong suốt quý II đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất và xuất khẩu máy tính cá nhân. Sự gián đoạn trong hoạt động của nhà máy và cảng ở Thượng Hải, Côn Sơn và Giang Tô đã dẫn đến sự chậm trễ đáng kể trong đơn đặt hàng của tất cả nhà cung cấp PC lớn”, nhà phân tích Emma Xu của Canalys nói. Ngoài ra, việc hạn chế đi lại và đường vận chuyển hàng hóa ở Trung Quốc – thị trường PC lớn thứ hai thế giới cũng khiến thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thống kê của Canalys cho thấy hầu hết nhà sản xuất PC lớn trên toàn cầu đều bị giảm số lượng thiết bị xuất xưởng. So với quý trước, quý này Lenovo giảm 12%, xuống còn 17,5 triệu chiếc. HP giảm mạnh đến 28% xuống còn 13,5 triệu. Dell đứng vị trí thứ ba với mức giảm khiêm tốn 5%, còn 13,2 triệu thiết bị. Acer và Asus vẫn nằm trong top 5 thị phần với mức giảm lần lượt là 19% và 5%.

Ngay cả Apple cũng không thoát khỏi “mùa đông” của ngành PC. Theo báo cáo tài chính mới được công bố, doanh thu của Mac quý vừa qua là 7,382 tỷ USD, giảm 10,35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Sina, từ tháng 4, nhiều nguồn tin xác nhận gần như tất cả nhà sản xuất PC hàng đầu đều bắt đầu cắt giảm đơn hàng. Dell cho biết nhu cầu về màn hình và tấm nền máy tính của công ty sẽ giảm 50%, đồng nghĩa họ cũng có thể mất đi một nửa doanh thu trong thời gian tới.

Trong báo cáo tài chính quý II/2022 được Intel công bố hôm 29/7, tất cả chỉ số tài chính của hãng đều thấp hơn dự kiến. Tổng doanh thu của Intel trong quý là 15,321 tỷ USD, giảm 22% so với mức 19,631 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái và cách khác xa với ước tính ban đầu là 18 tỷ USD. Hãng lỗ 454 triệu USD, là khoản lỗ đầu tiên của Intel trong 30 năm.

Intel cho rằng những con số đáng thất vọng này là do suy thoái kinh tế và nhu cầu về máy tính cá nhân giảm. So với cùng kỳ năm ngoái, mảng kinh doanh máy tính khách (CCG) của họ giảm 25%.

Nhà phân tích Stacy Rasgon của Sanford C Bernstein nhận định đây là báo cáo thu nhập tồi tệ nhất mà ông từng thấy trong sự nghiệp của mình.

Theo các chuyên gia, sau khi nhu cầu toàn cầu về các sản phẩm PC đạt đỉnh vào năm 2020-2021, thị trường bắt đầu đi xuống do nhu cầu về PC đã dần bão hòa. Chu kỳ nâng cấp thiết bị PC thường kéo dài 3-5 năm, do đó đây được xem là giai đoạn “ngủ đông” của các nhà sản xuất máy tính.

Thị trường PC Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung của toàn cầu. Các đơn vị kinh doanh máy tính đều xác nhận doanh thu bị sụt giảm mạnh. Ông Thái Lê Tú, đại diện GearVN, nhận định: “Nhu cầu mua sắm PC của người Việt tăng cao trong năm 2021 nên đến giai đoạn đầu năm nay, doanh số có sụt giảm. Sau đó thị trường lại rơi vào mùa thấp điểm là quý II. Hiện tại vẫn chưa thể dự đoán được sức mua có lên lại hay không, điều này còn phụ thuộc vào doanh số trong mùa tựu trường sắp tới”, ông Tú nói.

Còn ông Huy Nguyễn, đại diện hệ thống CellphoneS, cho biết toàn thị trường PC đang ở đáy với mức suy giảm 70% so với năm ngoái. “Nguyên nhân là nhu cầu làm việc, giải trí tại nhà không còn, trong khi thị trường khai thác tiền mã hóa cũng giảm mạnh, thợ đào coin đang ‘xả trâu’ ồ ạt”, ông Huy cho hay.

Tuy nhiên, ông Tú lại cho rằng việc thị trường tiền mã hóa đi xuống giúp nguồn hàng được ổn định, bình ổn giá. Dù vậy, mức điều chỉnh chưa kích thích được sức mua ở phân khúc cao cấp. Đây cũng là một trong những lý do khiến doanh thu PC bị sụt giảm.

Phân khúc cao cấp là nhóm hàng PC gaming Hi-end và máy dành cho dân chuyên ngành, phân khúc từ 30 triệu trở lên. Theo ông Tú, người dùng ở nhóm này đang tiếp tục chờ đến cuối năm khi Intel, AMD, Nvidia dự kiến ra sản phẩm mới.

Tin liên quan

Apple tấn công trực tiếp vào Facebook

Quy định mới của Apple buộc các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram phải trả 30% chi ...

Nvidia RTX 4000 Series sắp ra mắt: card đồ họa nhiều cải tiến và giá bán bất ngờ

Mới đây, Nvidia đã hé lộ dòng card đồ họa mới có tên gọi RTX 4000 Series sắp ra mắt với nhiều ...

Lenovo tiếp tục 'khoe' laptop màn hình cuộn độc đáo, 'ông vua' đổi mới sáng tạo là đây!

Có vẻ laptop màn hình gập ThinkPad X1 Fold và điện thoại màn hình cuộn của Lenovo chưa đủ gây ấn ...

Việt Nam tăng mạnh số thuê bao Internet di động trong nửa cuối năm 2022

Đây là thông tin mình vừa đọc được của VnExpress về Truy cập Internet di động áp đảo cố định tại ...

HP: Chiếc laptop hoàn hảo chạy macOS, không phải Windows

Dưới góc nhìn của nhà sản xuất máy tính HP, chiếc “máy tính xách tay hoàn hảo" sẽ không chạy hệ ...

Những bóng hồng blockchain Việt

Nữ giới đang đóng vai trò ngày một quan trọng trong việc xây dựng cộng đồng, sản phẩm và là cầu ...

Cách chặn tất cả các tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo rác dành cho thuê bao Viettel

Viettel là một trong những nhà mạng có số lượng người dùng trên smartphone lớn nhất hiện nay. Đi ...

Sản phẩm cuối cùng trong năm của Apple

Dòng iPad mạnh mẽ nhất của Táo khuyết sẽ được nâng cấp trong vài ngày tới với chip xử lý M2, ...

Cuộc gọi ZaloMessenger